LƯU KÝ CHỨNG KHOÁN LÀ GÌ?
Lưu ký (Deposit) là việc gửi chứng chỉ chứng khoán như tờ cổ phiếu, trái phiếu, hoặc các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu chứng khoán vào hệ thống lưu ký. Chứng khoán đã được lưu ký sẽ được ghi nhận vào tài khoản lưu ký chứng khoán đứng tên nhà đầu tư. Khi chứng khoán được giao dịch, tài khoản của nhà đầu tư sẽ được ghi tăng hoặc giảm mà không cần phải trao tay tờ chứng chỉ chứng khoán. Lưu ký chứng khoán là yêu cầu bắt buộc trước khi muốn chứng khoán được giao dịch qua sàn giao dịch của Trung tâm giao dịch chứng khoán. Nó được coi như một bước khởi đầu nhằm giúp các thủ tục về sau đơn giản và tiện lợi hơn.
HỆ THỐNG LƯU KÝ CHỨNG KHOÁN TẠI VIỆT NAM
Hệ thống lưu ký chứng khoán trước đây ở Việt Nam được quy định rõ trong Chương V- Đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán – Nghị định 144CP, gồm hai bước cụ thể:
Thứ nhất, việc lưu ký chứng khoán của các nhà đầu tư chỉ được thực hiện tại các thành viên lưu ký của Trung tâm giao dịch chứng khoán. Do vậy, chứng khoán của các nhà đầu tư sẽ được tập trung tại Trung tâm giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán qua các thành viên lưu ký.
Sau đó, các thành viên lưu ký sẽ lưu ký chứng khoán khách hàng của mình tại Trung tâm giao dịch và Trung tâm giao dịch, nơi họ đã mở tài khoản lưu ký của chính mình. Khi đó, Trung tâm giao dịch chứng khoán Việt Nam đóng vai trò là Trung tâm lưu ký. Các thành viên lưu ký bao gồm các công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại đã được Uỷ Ban Chứng Khoán Nhà Nước cấp phép hoạt động lưu ký và đã đăng ký làm thành viên lưu ký của Trung tâm giao dịch chứng khoán.
Theo quy định, mỗi nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản lưu ký tại một thành viên lưu ký. Do vậy nhà đầu tư cần tìm hiểu trước để lựa chọn một thành viên lưu ký thích hợp cho mình. Trong trường hợp muốn đổi sang một thành viên lưu ký khác, nhà đầu tư sẽ mở tài khoản lưu ký mới tại thành viên lưu ký mới, đồng thời phải làm các thủ tục đóng tài khoản lưu ký tại thành viên lưu ký cũ và yêu cầu thành viên lưu ký này chuyển số dư chứng khoán sang tài khoản lưu ký tại thành viên lưu ký mới. Ngoài ra, có những trường hợp ngoại lệ, các đối tượng như Ngân hàng Nhà nước hay tổ chức tín dụng được phép tham gia đấu thầu, phát hành hoặc bảo lành phát hành trái phiếu Chính phủ cũng có thể mở tài khoản lưu ký tại Trung tâm giao dịch như các thành viên khác.
Hệ thống lưu ký này là một cơ cấu “hai cửa”, hoặc có thể gọi “đa cấp”. Trong đó, nhà đầu tư không thể trực tiếp lưu ký chứng khoán tại Trung tâm mà phải qua các thành viên lưu ký và tất nhiên chịu một mức phí nhất định, và đối với các ngân hàng thương mại dịch vụ nhận lưu ký là một hình thức kinh doanh ngày càng hấp dẫn.
HỆ THỐNG LƯU KÝ HỖN HỢP
Theo Luật chứng khoán 2007, Trung tâm lưu ký chứng khoán sẽ tách ra hoạt động độc lập so với Trung tâm giao dịch chứng khoán, và tiến hành cung cấp dịch vụ như một tổ chức phi lợi nhuận. Hệ thống lưu ký vẫn mang bản chất một cơ cấu “đa cấp”.
Một phương án kết hợp có thể tính tới. Nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký tại các thành viên lưu ký và sau đó các thành viên lưu ký sẽ tiến hành lưu ký từng tài khoản riêng biệt của từng nhà đầu tư tại Trung tâm lưu ký. Như vậy các nhà đầu tư dễ dàng kiểm tra tài khoản của mình ngay tại Trung tâm giao dịch, và mức phí lưu ký cũng giảm thiểu đáng kể. Hệ thống này được gọi là cơ cấu lưu ký hỗn hợp, vì đó là sự kết hợp giữa mô hình “đa cấp” và “đơn cấp”.
Theo các chuyên gia về công nghệ thông tin, việc xây dựng một Trung tâm lưu ký độc lập ở Việt Nam sẽ đắt đỏ, tối thiểu chi phí phải cao gấp hơn 3 lần chi phí cần thiết để thành lập một công ty chứng khoán trung bình. Chính vì vậy điều kiện tiên quyết để Việt Nam hay bất kì một quốc gia nào sỏ hữu một Trung tâm lưu ký “hoàn hảo” là qui mô thị trường rộng lớn, số lượng các nhà đầu tư cao, khối lượng giao dịch tương đối nhiều; tóm lại đó phải là một thị trường sôi động. Và điều quan trọng hơn cả là việc tạo lập một Trung tâm lưu ký là bước đi khởi đầu hướng tới hiện đại và đơn giản hóa tuyệt đối chu trình giao dịch chứng khoán bằng mô hình “đơn cấp” với mục tiêu trên hết an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư.
Mô hình hỗn hợp này có những ưu điểm gì?
Một điều dễ nhận thấy là với cơ cấu đa cấp thì số lượng các tài khoản mà Trung tâm phải quản lý ít hơn rất rất nhiều, nhưng theo các chuyên gia công nghệ thông tin, đó không phải là mối lo ngại khi chuyển sang mô hình hỗn hợp. Tài khoản lưu ký chứng khoán gần giống như tài khoản tiền gửi ở ngân hàng. Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đang đảm nhận hơn 25 triệu tài khoản, không có gì là khó khăn khi toàn bộ được quản lý bằng hệ thống máy tính và mạng. Thậm chí một công tychứng khoán hoàn toàn tự tin khi họ đóng góp vào sự phát triển của thị truờng chứng khoán Việt Nam bằng việc giám sát minh bạch từng tài khoản của các nhà đầu tư.
Thứ hai, áp dụng mô hình hỗn hợp giúp các công ty thành viên giảm được một lượng đáng kể phí hoạt động chức năng, bởi lẽ khi mỗi nhà đầu tư đều sở hữu một tài khoản riêng biệt, hệ thống máy tính đa dạng hóa dễ dàng tùy biến để quản lý, điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm tình hình của từng tài khoản hơn. Mọi hoạt động đều diễn ra suôn sẻ, “chỉ cần cập nhật vào hệ thống, hệ thống sẽ tự động xử lý và các phòng ban hỗ trợ hoàn toàn thảnh thơi”.
Thứ ba, các công ty chứng khoán không sẽ quan tâm đến phí dịch vụ nhiều, vì Trung tâm lưu ký hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận, và nhà đầu tư là người lợi trước tiên. Phí dịch vụ cố định khoảng 0,2% nhưng đa số các công ty thành viên đều không thu phí hoặc giảm phí như một phương thức để chiêu khách.
Và điều cuối cùng cũng là quan trọng nhất, Chính phủ có thể ưu thích áp dụng mô hình này như một cách thức để giám sát nhà đầu tư thông qua việc nắm biết chính xác và đầy đủ tình hình tài khoản chứng khoán của họ. Bởi lẽ, thật khó để mà đoán xét được thành viên Hội đồng quản trị các công ty có đang giao dịch chính cổ phiểu của họ không, và những thông tin nội bộ kiểu như vậy sẽ được giấu nhẹm đi nếu không có sự quản lý chặt chẽ.
==> xem thêm: Tư vấn phát hành cổ phiếu , Tư vấn niêm yết cổ phiếu , Tư vấn chào bán chứng khoán , Tư vấn niêm yết Upcom